Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Khám phá ẩm thực “gánh và đẩy” Sài Gòn

Nhỏ nhanh nhẹn dắt tôi đến bên xe… chuối nướng! Tôi ồ lên, hóa ra ẩm thực gánh và đẩy của nhỏ là hàng rong, một trong những điều tạo nên sự hấp dẫn và riêng biệt cho văn hóa Sài thành.

Chiều cuối tuần, nhỏ bạn a lô rủ tôi: “Đi ăn ẩm thực gánh và đẩy không, mày?”. Tôi bật dậy, không phải vì được rủ đi ăn mà vì cái cụm từ “ẩm thực gánh và đẩy”. Tôi sống ở Sài Gòn 6 năm nhưng chưa nghe cụm từ đó bao giờ. 5 phút sau, tôi dắt “chiến mã” ra thẳng chỗ hẹn cùng nhỏ bạn.

Nhỏ dắt tôi đến hồ còn Rùa, tôi trề môi, cái nơi mòn gót đi ngang mà có thấy cái quán nào tên gánh và đẩy đâu. Nhưng không phải. Nhỏ nhanh nhẹn dắt tôi đến bên xe… chuối nướng! Tôi ồ lên, hóa ra ẩm thực gánh và đẩy của nhỏ là hàng rong, một trong những điều tạo nên sự hấp dẫn và riêng biệt cho văn hóa Sài thành.

“Chuối này bao tiền trái hả chú?”, “10.000 đồng 1 trái, cô ơi”. Trong khi nhỏ bạn liến thoắng với người bán hàng như đã quen thân từ lâu, tôi xem cách chú chế biến món ăn. Những trái chuối bọc bên ngoài lớp nếp vàng ươm trên bếp than đỏ lửa được cắt nhỏ bỏ vào hộp nhựa, sau đó chan thêm nước cốt dừa màu trắng và rắc lên ít đậu phộng xoay nhuyễn. Tôi đưa lên miệng thử một miếng, vị dẻo thơm của nếp nướng hòa quyện với vị ngọt thanh của chuối vừa chín tới cộng thêm vị béo béo mằm mặn của nước cốt dừa khiến vị giác của tôi bất ngờ “tê tái” và vỡ òa ra. 
Chuối nếp nước cốt dừa. Ảnh internet
“Món này xuất phát từ miền Tây. Chuối nướng phải chọn trái vừa chín tới để đạt độ ngọt. Nếp phải chọn loại dẻo, nấu cho chín rồi bọc bên ngoài trái chuối, sau đó bọc thêm một lớp lá chuối bên ngoài rồi để lên bếp than nướng. Than nướng phải là loại than đước để trái chuối nướng mới vàng, nếu là than khác, chuối sẽ không được vàng. Khi lớp lá chuối bên ngoài cháy gần hết thì cũng là lúc chuối chín. Nước cốt dừa mằn mặn để làm giảm bớt vị ngọt do mật chuối nướng tiết ra, đồng thời tạo vị “hậu” cho món chuối nếp nướng”, chú bán chuối quê ở Sóc Trăng nhiệt tình giải thích cho tôi, trong khi tôi… ăn. Đúng là một món độc đáo mà tôi đã nhiều lần bỏ qua. Tôi định gọi thêm trái nữa, nhưng nhỏ bạn cản lại vì… còn nhiều món khác!

Rời xe chuối nếp nướng, nhỏ dắt tôi qua xe bắp và khoai nướng cách đó không xa. Trên một thau than (chính xác là thau) những củ khoai lang to tròn, mập mạp còn màu bùn đất đang “nằm lửa”. Còn trên tủ, những trái bắp xiên đũa được cắm một cách “khiêu khích” người đi đường. Một số trái đã nướng, hạt bắp vàng ươm. Một số trái chưa nướng thì hạt bắp vẫn còn màu vàng nguyên thủy. Bạn tôi chọn 1 trái bắp và 1 củ khoai khá to. Cô bé bán hàng vội đặt hai trái vào giữa bếp và đảo qua đảo lại. Mùi mỡ hành thoa trên trái bắp bốc lên, thơm lừng theo mùi khói bốc lên…
Bắp nướng quét thêm lớp mỡ hành thơm lừng. Ảnh internet
Nhận phần ăn kèm theo “nụ cười tỏa nắng” của cô bán hàng, chúng tôi “xử” chúng ngay tại chỗ. Tôi cắn một miếng bắp hơi to khiến nhỏ bạn la oai oái. Những hạt bắp mềm dẻo thơm lừng ngọt lịm của món nướng cộng thêm tí vị béo của mỡ hành vừa phải khiến trái bắp trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Tôi và nhỏ bạn đã tranh nhau ăn ngay bên bên đường khiến nhiều người phải ngoái đầu nhìn lại.

Ăn xong trái bắp, hai đứa “lịch sự” hơn khi chọn 1 ghế đá trong khuôn viên hồ để tiếp tục với củ khoai còn nóng hôi hổi kia. Nếu là tôi, tôi sẽ bẻ đôi củ khoai và thưởng thức liền phần vàng ươm bốc khói nghi ngút, nhưng nhỏ bạn lại nhẹ nhàng, từ tốn gỡ bỏ lớp vỏ cháy đen. Tôi thèm thuồng nhìn theo từng hành động của nhỏ. Sau khi gỡ hết lớp vỏ, củ khoai trông hấp dẫn lạ kì. Nhỏ bẻ đôi củ khoai một cách điệu nghệ, lúc này, mùi thơm của khoai nướng được mới thật sự được giải phóng, khiến cho người ăn chỉ làm một hành động duy nhất: đưa khoai lên miệng và... cắn ngập răng vào đó. “Nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc”, cái món nướng bao giờ cũng thơm hơn hết, bao giờ cũng ngọt hơn hết. Khoai lang nướng vừa ngọt vừa bùi lại thơm nên làm say đắm lòng thực khách. Hai món này mà ăn trong khí trời se se lạnh hay cơn mưa lất phất của Sài Gòn nữa thì trên cả tuyệt vời.
Khoai lang nướng. Ảnh: internet
Trên đường chở nhỏ về, nhỏ cứ luôn miệng giới thiệu những địa điểm hấp dẫn của những món này. Có lẽ nhỏ “đọc” được sự thích thú trong mắt của tôi. “Ngoài hồ con rùa, có thể thưởng thức chuối nếp nướng ở đường Lê Văn Sỹ, Điện Biên Phủ hay khu vực trường ĐHKH Tự Nhiên, Đại học sư phạm. Giá cũng từ 7.000-10.000 đồng như ở đây. Còn bắp nướng, khoai nướng thì qua công viên Gia Định. Đảm bảo đủ làm ông choáng ngợp”.

Tôi cười hà hà vì độ sành ăn của nhỏ. Trong khi rẽ qua Nhà Thờ Đức Bà, bất ngờ nhỏ kêu tôi dừng lại và tấp xe vào một gánh hàng nhỏ nhỏ với rất đông người đang ngồi xì xụp ăn. “Súp cua nhá!”, nhỏ nheo mắt nhìn tôi rồi nhanh chân chen vào đám người đang bu quanh chị bán súp.

Tôi nhìn quanh, gánh súp cũng đơn giản thôi, một đầu gánh đựng chén đũa, gia vị, đầu còn lại là nồi súp đang sôi nhẹ nhẹ với mùi thơm lừng. “Thử đi ông bạn. Súp cua ở đây ngon có tiếng đó. Súp đạt độ sánh vừa phải, thịt cua to, ngọt và rất tươi. Cộng thêm nấm và trứng cút, thêm chút tiêu, ớt và nước tương khiến món súp rất thơm và rất… đáng để thưởng thức”.

Đón chén súp từ tay nhỏ, tôi thích thú với màu sắc của món ăn: màu trắng trong của bột báng, màu đỏ của thịt cua, màu vàng của trứng, màu đen của nấm, màu xanh của hành ngò… Chưa thử vị ra sao, nhưng sự hòa trộn của màu sắc món ăn đã khiến tôi “no mắt”.

Súp cua. Ảnh: internet
Đúng như lời nhỏ bạn nói, súp cua ở đây rất ngon và có hương vị rất riêng. Súp đặc sánh, mùi gạch cua thơm lừng, đặc biệt cái mùi đặc trưng của xì dấu khiến món súp trở nên đậm đà hơn. Tôi và nhỏ ăn chén súp một cách ngon lành và nhanh chóng. 

Dù muốn cùng nhỏ thưởng thức ẩm thực “gánh và đẩy” tiếp nhưng thật sự bụng tôi đã no căng rồi. Tôi đành chở nhỏ về trong sự tiếc nuối. Nhỏ cười bảo, không sao đâu, đôi khi chính sự chờ đợi để khám phá lại khiến mọi thứ trở nên quyến rũ và hấp dẫn hơn rất nhiều. 

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Bông súng mắm kho, ăn no nhớ mãi


Ảnh minh họa. Nguồn internet

Một nồi mắm kho ngon là một nồi mắm với nước dùng thơm ngào ngạt, bốc lên theo từng cơn sôi ùng ục trên bếp. Như thể, cái mùi đó nhẹ nhàng len lỏi vào mũi, đánh thức vị giác và kích thích cơn thèm ăn của mỗi người. Để rồi khi thưởng thức ai cũng phải xuýt xoa trầm trồ.

Miền Tây, vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng cho nhiều món ăn ngon. Trong đó, không thể không kể đến món bông súng mắm kho dân dã, như cái hồn chân chất của người dân quanh năm gắn bó với miền sông nước. Không chỉ vậy, nó còn trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất Phương Nam cùng với nhiều món ăn khác như: canh chua bông điên điển, cá lóc kho tộ,…

Để nấu một nồi mắm kho ngon đòi hỏi nhiều công phu và khéo léo. Phải chọn mắm cá linh hoặc cá sặc ủ đủ lâu để có mùi thơm ngào ngạt và vị béo cần thiết. Có thể sử dụng một trong hai loại này, hoặc trộn chung lại với nhau để mùi thơm của món ăn thêm đậm đà hơn.

Công đoạn khó nhất của món mắm kho là lọc mắm. Mắm được cho vào nồi nước đun sôi lên. Thịt mắm sẽ tan rã và hòa vào nồi nước. Phần xác cá sẽ được lọc kỹ bỏ đi. Sau đó bỏ sả và tí ớt vào để mùi thơm dậy lên. Tiếp tục bỏ cá lóc (hoặc cá rô hoặc thịt ba rọi) tôm tép, nghêu và cà tím... vào nồi rồi nêm nếm cho vừa ăn. 

Thưởng thức mắm kho phải kèm theo bông súng mới hái để giữ được vị giòn và tươi sẵn có. Bông súng sau khi rửa sạch sẽ tước đi lớp vỏ bên ngoài và ngắt thành từng đoạn nhỏ. Khi ăn, bóp nhẹ cho thân bông súng dập đi để có thể thấm đều vị với mắm. Mùi thơm ngào ngạt của mắm kết hợp với vị cay cay của sả ớt rồi thêm vị ngọt thanh của các loại thịt cá và vài loại rau xanh khác nữa, từng chút, từng chút một hòa quyện vào nhau khiến món ăn đậm đà hơn.

Món mắm kho gần như đã trở thành một phần kí ức của những người miền Tây. Trong cái kí ức đẹp tuyệt vời đó là những lần chạy vội ra vườn hái rau, là những lần nhảy ùm xuống ao nhổ từng cây bông súng dài ngoằng, hay những buổi rộn tiếng cười cùng cha, anh hò nhau tát mương bắt cá. Món ăn đó, không đơn giản chỉ là nấu lên, mà còn là quá trình chuẩn bị của tất cả các thành viên trong gia đình. Tất cả quyện lại với nhau, hài hòa và gắn kết bền lâu. 

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Yêu công việc, bạn sẽ trở thành người xuất sắc


Một cảnh trong phim Jiro dream of Sushi. Ảnh internet

Tình yêu công việc sẽ đem lại cho bạn cảm xúc, sự sáng tạo và cả sự thách thức để bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Yêu công việc, đó là điều không dễ dàng và hiện nay, hầu hết mọi người đi làm vì mục đích kiếm tiền vẫn nhiều hơn cả. Đồng ý rằng, chúng ta không thể sống thiếu tiền, và công việc cuối cùng vẫn phải mang lại giá trị vật chất để có thể nuôi dưỡng ước mơ. Nhưng, hãy để nó là công cụ, để chúng hun đúc cho giấc mơ của mình nhiều hơn. Chỉ khi đó, tình yêu công việc của bạn mới thật sự đủ lớn mạnh để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất cho những gì mình làm.

Cũng giống như Jiro, ông làm vì niềm đam mê, vì tình yêu của mình đối với món Sushi. Mỗi ngày, đều như nhau, ông vẫn cứ làm đi làm lại bấy nhiêu công việc đó. Với nhiều người, lâu dần nó sẽ chai sạn và không còn cảm xúc, nhưng với ông, càng làm, tình yêu càng nhiều, đam mê càng lớn. Ông luôn đặt bản thân trong thử thách, để ngày hôm nay phải hoàn hảo hơn ngày hôm qua. Và chính sự quyết tâm cao độ đó đã khiến ông trở thành nghệ nhân Sushi nổi tiếng khắp thế giới.

So với ông, liệu chúng ta đã thực sự yêu thích công việc mình đã làm chưa? Có sống chết với nó mỗi ngày chưa? Hay chúng ta vẫn cứ hài lòng với những gì mình làm được? Mỗi ngày đều như nhau, chỉ 8h để làm việc, nhưng chúng ta lại không khai thác được hết khoảng thời gian đó. Phần lớn mỗi người đều chỉ hoạt động được một phần rất nhỏ, thậm chí có người gần như không làm việc trong suốt 8h đồng hồ này.

Muốn học cách chế biến món ăn của Jiro, bạn phải học nghề 10 năm. Chính 10 năm rèn luyện kiên trì và đầy thử thách này sẽ khiến bạn “quen tay, quen chân, quen cảm xúc” để từ đó có thể học được những thứ quý giá hơn. 10 năm, khoảng thời gian không hề nhỏ, nhưng nó xứng đáng để trả giá cho tất cả.

Con số 10 năm này tôi lại liên tưởng đến câu chuyện về vẽ trúc. Một người học trò hỏi thầy của mình rằng, anh muốn vẽ một bụi trúc thật sống động thì nên làm gì? Người thầy trả lời rằng: Hãy quan sát bụi trúc con muốn vẽ trong 10 năm. Anh ta làm theo lời thầy. 10 năm sau, anh đã có thể vẽ được một bức tranh về bụi trúc sống động như thật.

Bài học rút ra ở đây là, muốn thành công, hãy liên tục lặp đi lặp lại công việc của mình làm. Càng làm nhiều, chúng ta càng thành công. Cũng như câu chuyện của Jiro và người họa sĩ vẽ trúc kia vậy.

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Càng lớn càng cô đơn

Cái giá của sự trưởng thành là cô đơn??? Ảnh internet

Hồi nhỏ, cảm xúc rất đơn giản, vui thì cười, buồn thì khóc, chả hiểu cô đơn là gì. Nhưng càng lớn, cảm giác cô đơn xuất hiện ngày càng nhiều và dần dần nó trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Có những ngày ảm đạm, mưa mù trời, mọi cảm xúc bỗng dưng thu hẹp lại, chỉ còn lại nỗi cô đơn. Nó nhẹ nhàng lan tỏa khắp tâm hồn và kéo bản thân vào một vùng trống vắng của cảm xúc. Lúc đó, thèm một người để nói chuyện, để tựa vào, hay thậm chí chỉ để nhìn thấy thôi cũng không có được. Cô đơn như một lớp bụi mờ, bay mù mịt và phủ kín khắp không gian lẫn cảm xúc của hắn.

Có những ngày, rất mệt mỏi, về nhà chỉ muốn lăn đùng ra ngủ. Nhưng lại chẳng ngủ được, vì cảm thấy thèm một vòng tay ấm, một hơi thở, một cái ôm riết thật chật. Bạn bè bao nhiêu người đấy, đồng nghiệp bao nhiêu người đấy, người thân cũng không hề ít. Nhưng chẳng thể gọi và nói được với ai. Chỉ có bản thân với nỗi cô đơn như kéo dài bất tận.


Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Cuộc sống luôn là những lựa chọn

Dù tốt hay xấu, mỗi lựa chọn đều có một giá trị riêng của mình. Ảnh internet

Bạn lựa chọn và chấp nhận mọi thứ liên quan đến lựa chọn của mình, đó chính là những gì cuộc sống này đang vận hành.

Mỗi ngày, sẽ có rất nhiều vấn đề diễn ra xung quanh cuộc sống của bạn. Bạn đối mặt với nó và lựa chọn cách giải quyết của riêng mình. Chính cách giải quyết này dẫn đến những đến một chuỗi những sự kiện tiếp theo nữa. Có khi, nó toàn là những điều may mắn và như bạn mong muốn, có khi lại không như vậy. Đó hoàn toàn là kết quả tất yếu của những gì mà bạn đã lựa chọn.

Vậy nên, đừng bao giờ than trách cuộc đời này tại sao không công bằng với bạn. Cuộc đời này là của bạn, bạn sinh ra đã làm chủ nó nên phải có trách nhiệm với nó. Những kết quả không tốt đẹp chính đều từ những lựa chọn của bạn mà ra.

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Nghe Trịnh hát Trịnh

Ảnh internet

Với tôi, Trịnh chẳng phải là một người hát du ca đi qua năm tháng làm người để ưu tư với những kiếp người lầm than. Mà Trịnh là một con người mộc mạc đơn sơ với cây đàn ngồi hát say sưa về cảm xúc bất tận của kiếp người, của những đổi thay và của cả sự sống cái chết. Tôi thích nghe Trịnh hát về dòng nhạc của chính mình.

Không như một Khánh Ly ma mị trong giọng hát, không như Hồng Nhung trong trẻo cao vút, cũng không như Quang Dũng trầm ấm, giọng Trịnh đơn sơ mộc mạc lắm, như chính cái thể loại âm nhạc mà ông đã bỏ cả đời ra để theo đuổi. Trịnh không hát về nhạc của mình mà ông đang thầm thì về những suy nghĩ, ước mơ, những chông chênh của đời người. Ông nói về nó để sống, để hiểu, để cảm và để mọi người cùng hòa nhịp với hơi thở của ông. 

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Mùi cà phê thơm nồng buổi sáng

Ảnh internet

Tôi không phải là một kẻ nghiện cà phê. Sành cà phê lại càng không. Nhưng tôi lại là một tín đồ điên cuồng của… mùi cà phê.

Với tôi, khi thưởng thức một món ăn, mùi hương vẫn là quan trọng nhất và đầu tiên. Chính cái mùi hương đó phải tấn công vào khứu giác, rồi sau đó len lõi khắp tâm trí và kích thích cảm giác thèm ăn của một người. Đôi khi, chỉ cần ngửi mùi một món ăn nào đó, cũng đủ cảm nhận được món đó ngon dở thế nào.

Cà phê cũng vậy. Cà phê ngon là phải dậy mùi và nồng nàn. Cái nồng nàn của cà phê phải ấn chứa được trong đó sự mạnh mẽ của một loại thức uống đặc biệt, phải quyến rũ được người cảm nhận nó, và hơn hết phải kích thích được họ “thèm muốn” ngay tức thì. Cà phê là nên như thế và phải như thế.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

A Simple Life (Dì Đào) – Đơn giản nhưng đầy tính nhân văn

Cảm xúc luôn bắt nguồn từ những thứ đơn giản và chân thật nhất. Ảnh internet

Giữa thời kì điện ảnh Hồng Kông gần như bế tắc khi không tìm được một chủ đề mới để khai thác thì dì bộ phim A simple life (tựa tiếng Việt là dì Đào) lại xuất hiện như một luồng gió mới, mang lại nhiều cảm hứng cho người làm phim lẫn người xem.

Đúng như tên gọi, bộ phim nói về cuộc đời rất đơn giản của hai con người là Roger và dì Đào, người giúp việc lâu năm của gia đình cậu ta. Có thể nói, phim chỉ có hai bối cảnh chính là căn chung cư và viện dưỡng lão. Mạch phim cũng chỉ tới lui giữa hai nơi đó và hai nhân vật đó. 

Nhưng đằng sau sự đơn giản đó lại là sự chuyển biến nội tâm rất sâu sắc của nhân vật. Thời gian đâu, cả hai nấy sống cuộc sống của riêng mình dưới cùng một mái nhà. Dì đào có nhiệm vụ đi chợ và nấu nướng cho Roger. Roger thì ngày đi làm và nhận sự chăm sóc của dì Đào như một điều hiển nhiên.

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Cơm rang tóp mỡ - Món ăn của một thời tuổi thơ

Tóp mỡ mà rang với cơm thì ngon thôi rồi. Ảnh internet

Giờ ở Sài Gòn, kiếm món cơm rang không khó, thậm chí còn có rất nhiều loại, như cơm rang cá mặn, cơm rang tỏi, cơm rang hải sản... Toàn món “bén” để ăn và nhậu. Tuy vậy, sẽ chẳng bao giờ tìm được món cơm rang tóp mỡ đậm đà hương vị của suốt một thời tuổi thơ gian khó.

Hồi đó nhà hắn nghèo lắm, chỉ toàn ăn cơm nguội. Bà thấy tội đứa cháu quá nên đem cơm chiên lên cùng với ít tóp mỡ, tỏi và xì dầu. Thế là món ăn hàng ngày quen thuộc bỗng chốc trở thành “đặc sản” với mùi thơm lừng ngào ngạt.

Món cơm này của bà được chế biến khá công phu. Đầu tiên, cơm nguội phải bóp ra thật tơi để khi rang không bị dính lại với nhau. Sau đó, bắt chảo lên cho mỡ và tỏi cùng tóp mỡ vào phi lên cho dậy mùi thơm. Chảo nóng, cho cơm vào đánh xèo một tiếng đầy kích thích bao tử. Công đoạn quan trọng nhất vẫn là nêm nếm gia vị và đảo cho đều tay để gia vị thấm đều vào những hột cơm. Để cơm có màu, bà hắn còn cho cả vào đấy một ít xì dầu, để cơm thơm và có màu cánh gián đậm rất… bắt mắt.