Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Nghe Trịnh hát Trịnh

Ảnh internet

Với tôi, Trịnh chẳng phải là một người hát du ca đi qua năm tháng làm người để ưu tư với những kiếp người lầm than. Mà Trịnh là một con người mộc mạc đơn sơ với cây đàn ngồi hát say sưa về cảm xúc bất tận của kiếp người, của những đổi thay và của cả sự sống cái chết. Tôi thích nghe Trịnh hát về dòng nhạc của chính mình.

Không như một Khánh Ly ma mị trong giọng hát, không như Hồng Nhung trong trẻo cao vút, cũng không như Quang Dũng trầm ấm, giọng Trịnh đơn sơ mộc mạc lắm, như chính cái thể loại âm nhạc mà ông đã bỏ cả đời ra để theo đuổi. Trịnh không hát về nhạc của mình mà ông đang thầm thì về những suy nghĩ, ước mơ, những chông chênh của đời người. Ông nói về nó để sống, để hiểu, để cảm và để mọi người cùng hòa nhịp với hơi thở của ông. 


Chỉ Trịnh mới có thể nhẹ nhàng mà không hề bi quan với “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Ông hát về nỗi tuyệt vọng của một kiếp người, nhưng nó không bị lụy, không chán nản, mà ngược lại, mang đến cho những ai nghe và hiểu ông một niềm tin, một hy vọng về cuộc đời này. Ông nói về nỗi tuyệt vọng nhưng thật ra là ông đang nói về cuộc sống về những chướng ngại mà mỗi người phải tự tìm cách vượt qua đến tiến lên phía trước, trưởng thành hơn cùng với nỗi đau của chính mình. Chỉ những ai đã từng đau mới hiểu, tuyệt vọng không bao giờ là cách giải quyết, nó chỉ làm cho nỗi đau thêm dài ra và cào xé hơn bao giờ hết. 

Không như những ca sĩ chuyên nghiệp khác, Trịnh hát Trịnh bằng chính những cảm xúc chân thật nhất của mình. Cảm xúc đó là một kỉ niệm, một tình yêu, một nỗi ám ảnh suốt đời ông. Nó xuất phát từ con tim chỉ biết yêu thương. Nó cứ đầy dần, đầy dần rồi bật thành lời hát hòa cùng giai điệu của cuộc sống. Khi giọng Trịnh cất lên, cái không gian xung quanh bỗng dưng lắng lại và mọi người tự động xích lại gần nhau hơn. Không cao sang, không đẳng cấp nhưng lại có sức mạnh gắn kết mọi người lại với nhau một cách lạ thường. Những ai đã từng có cơ hội được nghe Trịnh hát, nhất là trong khoảng thời gian đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên mới hiểu được khi Trịnh ôm cây đàn guitar, đứng giữa bao người dù là hát hay đệm đàn cho Khánh Ly, Hồng Nhung đều toát lên một sự quyến rũ không cưỡng lại được. Ông ở đó, trong cái không gian âm nhạc của riêng mình, chói lòa và xóa nhòa mọi khoảng cách.

Trịnh hát không chỉ bằng tình cảm mà còn cả sự chiêm nghiệm về cuộc sống này. Đó là sự vỡ òa trong cảm xúc để rồi mỗi người lại tâm đắc và đồng cảm sâu sắc với ông. Bởi đâu đó trong ca từ, trong giọng hát của Trịnh, họ thấy họ ở trong đó, đang dần dần đánh rơi mất chính bản thân mình vì vòng quay của cuộc sống, của những đổi thay. Trịnh ở bên cạnh họ để làm nguôi đi những nỗi đau, để quên đi những ưu phiền và khơi dậy lại trong họ niềm tin về cuộc sống, về những thứ mà kiếp người mới sinh ra đã phải mang nặng.

Và cuối cùng, Trịnh hát Trịnh không chỉ dành riêng cho bản thân mình, mà nó rộng lớn bao quát hơn: dành cho quê hương, đất nước và cho chính mỗi con người. Cái tình yêu quá lớn, quá bao dung đó khiến Trịnh khơi dậy được những ước mơ, những khát khao và cả những niềm tin cháy bổng về cuộc sống này. 

Không thể phủ nhận Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Quang Dũng, Thanh Lam,… hát Trịnh đều toát lên được một nét đẹp riêng, nhưng với tôi, chỉ khi Trịnh hát Trịnh thì cảm xúc mới thật sự thăng hoa, cũng giống như giữa cuộc sống bộn bề những lo toan này, ta bất ngờ bắt gặp được một người bạn tri kỉ. Dù chỉ là thoáng qua, nhưng cũng khiến cả đời vui sướng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét