Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Con rơi giữa đời

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Nó tự nhận nó là con rơi của miền Tây, con rơi của văn chương Việt Nam. Chỉ vì nó đưa ra những lí do hết sức…ngồ ngộ. Là dân gốc miền Tây – quê hương của những câu vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng nhưng chưa một lần nó ngân nga. Đơn giản vì nó không biết hát. Nó tốt nghiệp khoa văn học và ngôn ngữ của một trường Đại Học, nhưng nó tự đánh giá “viết cũng tạm được, đọc đủ hiểu và có chút cảm xúc, nhưng còn thiếu trải nghiệm về cuộc sống, thiếu chiều sâu”.

Nghe hai từ “con rơi” nó nói, tôi thấy chạnh lòng.


Nếu nó không biết hát cải lương mà gọi là con rơi của miền Tây. Vậy miền Tây sẽ có nhiều lắm những con rơi, con lạc. Nhiều người sinh ra từ cái nôi của cải lương – xứ lừng danh công tử Bạc Liêu đó – mà đã chắc gì họ đã biết ông Cao Văn Lầu là ai. Nghĩ xa hơn một chút, nhiều người có dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong tim, nhưng họ lại tự đánh mất đi những cái gọi là của Việt Nam – đức tính, tâm hồn của người dân đi lên từ lam lũ. Họ quên đi cội nguồn, họ quên đi bản sắc. Họ cũng là con rơi đang cố tự mình rơi rớt giữa đời, hay họ đang lạc lõng giữa những thứ phù phiếm, xa hoa.

Còn những sáng tác của nó. Nó viết không nhiều nhưng cũng đủ để cho người ta nhận ra điều nó tự đánh giá là đúng. Ừ thì cứ cho là con rơi đi. Nhưng những gì nó học, chỉ là một mớ lí thuyết bùng nhùng khi ngồi trên giảng đường Đại học. Từ lí thuyết đi vào thực tế là cả một khoảng cách xa vời vợi. Nó còn trẻ- hai mươi năm tuổi, nó còn khá trẻ để hiểu sâu về Thế giới đầy sự phức tạp này. Để nó có thể viết ra những điều gọi là rút gan, rút ruột. Trường đời nó cũng chưa trải nghiệm qua nhiều, nó chưa phải là con chim lao vào bụi mận gai để mà hót lên tiếng hót hay nhất của cuộc đời. Nó cần phải được tôi luyện, mài dũa. Thời gian còn dành nhiều cho tương lai của nó.

Nhưng nếu chỉ vì thế, mà nó tự nhận là con rơi. Thì trong thế giới của cái gọi là trí thức này cũng đầy rẫy những con rơi đấy chứ. Tiến sĩ, hay giáo sư khoác trên mình cái mác uyên thâm và hiểu biết. Nhưng cách xử sự của họ chắc gì đã bằng một người nông dân. Họ nói, họ phát biểu còn hay hơn cả nghệ sĩ hát trên sân khấu. Nhưng thực lực thì… hữu danh vô dụng. Họ vô tư bê nguyên một công trình nghiên cứu của người khác, mang về sửa thành tên của mình rồi ung dung công bố với mọi người: tôi đã lao tâm bao ngày để hoàn thành công trình đó. Chưa biết thì người ta còn tán dương. Biết rồi thì người ta nhổ toẹt vào.

Nghĩ xa hơn về một dân tộc. Nhiều người đang ở vị trí cao hơn nó về địa vị, đẳng cấp trong xã hội. Hàng ngày, hàng giờ vỗ ngực ra oai: Tôi rất yêu nước, tôi luôn hết mình cho lợi ích của mọi người xung quanh, cho lợi ích chung của dân tộc. Nhưng có lẽ nên đặt một dấu hỏi đằng sau những gì họ đang nói ấy. Vì việc làm họ thể hiện ra thì… đại bác nối thêm hai nòng chưa chắc đã bắn tới. Họ đã tự biến mình thành con rơi của những lời nói, con rơi giữa đồng loại. Hổ thẹn lắm thay…

Hôm nay nó muốn thử cảm giác không có điện thoại xem cuộc sống như thế nào với nó. Nên từ sáng, nó đã tắt di động. Nó không phải là người quan trọng nhưng tuần nào cũng có rất nhiều cuộc gọi rủ đi nhậu, đi chơi. Nó thấy mệt mỏi. Lúc trước, nó thích cuối tuần vì nó rảnh và được làm một số điều mình thích. Bây giờ, nó thích đi làm vì ít bị gọi. Hai mặt mà một ồn ào, náo nhiệt, ham vui, một thui thủi, yên tĩnh và trầm lắng. “Hai nửa khuôn mặt, cùng trầm luân cõi người. Nửa là tôi, nửa còn lại nổi trôi theo đời”. Nhưng cái mà nó muốn cảm nhận rõ hơn. Đó là không sử dụng di động, liệu nó có là con rơi của thế giới công nghệ, con rơi giữa bao người xung quanh hay không? Một sự tự thử mình, nhưng là một phép thử cần thiết. Để nó biết mình là ai…?

Những “con rơi” ở đâu đó ngoài kia, có nên làm một phép thử nào đó. Thử nhưng sau đó thì hành động thật. Để mình trọn vẹn hơn trong vòng tay của đồng loại. Để mình không phải là “con rơi” giữa cuộc sống đang hối hả từng ngày.

Đừng cố tự biến mình thành còn rơi, bạn nhé…
(PTV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét