
ảnh internet
Tình cờ thằng ta được chị rủ rê tham gia chương trình từ thiện mang tên “Lửa hồng”, thằng ta đồng ý cái rụp sau khi biết nó diễn ra vào ngày cuối tuần.
Cũng lên mạng kêu gọi mấy người quen trên Yume tham gia cùng cho vui, cũng lôi kéo bạn bè và những người quen để mọi người góp một sức, một tay.
Hẹn mọi người 6h sáng chủ nhật ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ (đường CMT8), từ đó chạy đến chợ bà Chiểu khoảng 6h30 là vừa kịp hẹn với chị Uyên, người phụ trách chính chương trình này. Sáng loay hoay mãi mới tung mền dậy. Đêm qua ngủ trễ, đã vậy sáng ra còn phải dậy sớm nên cái tính lười cố hữu nó phản đối ghê lắm. Nhưng có bạn, có mấy đứa em nên ráng tỉnh táo ngồi dậy để… làm gương (hic hic).
6h40 có mặt ở chợ Bà Chiểu. Chị Uyên đang trên đường đến. Cả đám tranh thủ mua đồ ăn sáng.
Gần 7h chị Uyên xuất hiện cùng với một taxi đồ từ thiện: nuôi, sữa, dưa hấu, hành hẹ và nhiều thứ khác nữa…
Đồ nhiều, xe máy ít nên định thuê xe taxi xuống tận đó luôn. Nhưng một lúc sau, nhiều anh chị khác xuất hiện, mọi người quyết định bỏ thêm sức chở bằng xe máy, tiết kiệm một khoảng tiền cho chương trình nữa. Thế là mọi người "cộ" đồ lên xe và khởi hành. Chỉ có một người biết đường, những người còn lại… bám đuôi.
Hành trình ròng rã đi từ quận Bình Thạnh sang Gò Vấp rồi tới quận 12. Đi mà chả biết, cứ lần, cứ mò, cứ điện thoại hỏi đường…
Đến ngay đầu đường dẫn vào trung tâm bảo trợ người già và người tàn tật thằng ta thấy cái quán nước quen quen. Rẽ vào đến trung tâm mọi thứ càng quen hơn nữa. Cái trí não bắt đầu hoạt động kịch liệt. Đây là nơi mà 4 năm trước, khi thằng ta là sinh viên năm 2, đã cùng lớp đến đây giao lưu và ủng hộ. Mọi thứ vẫn như cũ.

ảnh internet
Mọi người tranh thủ vào thắp nén nhang cho những người đã mất. Họ được hỏa thiêu. Tro cốt được đựng trong một bình cốt. Tất cả ở chung trong một phòng. Thằng ta ngó qua, hầu như cụ nào cũng thọ, trên 80 tuổi.
Sau đó chị quản lí trung tâm dẫn mọi người đi một vòng thăm các cụ. Chị giới thiệu từng dãy nhà, từng phòng để mọi người biết.
Sau đó là chương trình giao lưu văn nghệ giữa các cụ già (còn khỏe) và các tình nguyện viên, rồi cho các cụ ăn nuôi.
Khoảng 10h30 chương trình kết thúc. Mọi người chia tay và hẹn gặp lại ở những chương trình sau.
Trên đây là vài dòng tóm tắt về chương trình. Còn đây là vài dòng cảm nhận về chuyến đi.
Cảm ơn cuộc đời đã cho ta lành lặn…
Nhìn những người bị bại não, bị tai nạn giao thông, bị đủ thứ bệnh tật khác khiến cho hình dạng của họ bị mất đi một bộ phận, bị biến dạng một cách đáng sợ mà thằng ta không khỏi đau lòng. Thật sự đã một lần đến đây, đã tham gia nhiều chương trình như thế này nhưng thằng ta vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy họ như thế. Họ bất chợt cười, bất chợt gào thét nhưng họ không đau bởi vì họ chẳng biết gì cả. Họ chỉ khác đời sống của người thực vật một xíu là họ còn biết cử động. Họ không nhận ra được nhiều những gì diễn ra xung quanh. Người khá nhất thì biết nói “Xin chào”.
Phần lớn những người này đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi bản thân họ xảy ra như thế thì gia đình không có điều kiện chăm sóc nên gởi vào đây cũng có một số người bị bỏ rơi trong bệnh viện. Bệnh viện làm thủ tục gởi về sở Thương binh Xã hội rồi Sở chuyển về cơ sở này.
Một số người, do tai nạn lao động, lại không có người thân hoặc người thân tứ tán cũng vào đây. Họ bị nhẹ hơn nên phụ với những người ở trung tâm chăm sóc những người khác khó khăn hơn.
Nhìn họ, thằng ta cảm thấy thương họ hơn. Đối với những người già bị bỏ rơi vì bệnh tật, vì con cái đôi mắt họ lúc nào cũng có một nỗi buồn cô độc. Họ vui đó, cười đó nhưng thẳm sâu vẫn thèm một lời thăm hỏi của người thân, của con, của cháu. Họ sống ở đây vui nhưng vẫn cô độc.
Có những người tự tạo cho mình một cảm giác khó chịu khi những người tình nguyện đến đây hỏi thăm. Họ trả lời rất cộc lốc, bất cần đời. Họ đang cố che giấu nỗi đau của mình nhưng nó lại càng hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Cũng có cụ tình cảm hơn, ngồi nói chuyện, hỏi thăm các tình nguyện viên. Thậm chí họ còn bắt tình nguyện viên ở lại với họ lâu thêm một chút nữa. Họ cần sự sẻ chia và những lời tâm sự. Người già vẫn thích có người nói chuyện với mình và nghe họ nói…
Đôi khi ta cứ trách bản thân mình như thế này như thế kia, gia đình mình thế kia thế này nhưng so với họ ta vẫn còn hạnh phúc hơn gấp vạn lần. Họ cô độc, rất cô độc. Họ thèm khát tình yêu thương những người trong trung tâm thì phải chăm sóc quá nhiều cụ nên cũng chẳng có thời gian nhiều cho họ.
Sống cần có một tấm lòng
Thật sự nhiều người khi đến đây, ngoài việc tài trợ, họ không vượt qua được nỗi sợ hãi trong lòng mình. Họ nhìn các cụ và những người không còn lành lặn về thân xác và cả tâm hồn mà chẳng dám vào hỏi thăm, nói chuyện dù chỉ một câu. Họ đứng bên ngoài nhìn qua cửa sổ như nhìn những người khác thường. Nhưng cũng có một số người với tình thương đủ lớn, con tim đủ rộng đã bước vào trò chuyện, hỏi thăm và nói chuyện với các cụ như người thân của mình. Bởi vậy mới hay, làm từ thiện không chỉ đơn giản là có tiền mà cần phải có một tấm lòng nữa. Chỉ có tấm lòng người ta mới vượt qua được nỗi sợ hãi mà tiếp xúc với những người bị bại não, bị biến dạng như thế này.
Một cảnh tượng khá cảm động trong chương trình giao lưu văn nghệ. Một chị lên hát giao lưu với các cụ. Chị hát bài Người mẹ nhưng chị đã không kìm được nước mắt của mình. Chị đã khóc. Giọng hát cùng với những giọt nước mắt đã khiến bà cụ ngồi bên cạnh thằng ta liên tục đưa tay lên giụi mắt.
.......
Nhìn các cụ, thoáng chút nghĩ về bản thân sau này, nghĩ về những người thân trong gia đình.
Bỗng dưng yêu bản thân mình hơn, yêu gia đình mình hơn và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
04/04/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét