Ảnh minh họa. Nguồn internet
Thật ra, hắn không quan tâm đến em này lắm, mặc dù thấy khâm phục và thích cuốn sách em viết. Nhưng mà, hắn lại càng không thích cái cách người ta tranh luận, phản bác em này, thậm chí còn viết một lá đơn 25 trang A4 yêu cầu nxb ngừng xuất bản sách của em này vì “quá bất bình”.
Cái mọi người kêu gọi, gào thét, cực lực phản đối nhiều nhất vẫn là không tin em Huyền Chip đi được 25 nước chỉ với 700$ khởi điểm. Họ bảo, đó là điều không thể với một cô gái 22 tuổi. Hắn nghĩ, buồn cười thật, họ không làm được, nhưng cô gái kia làm được thì họ bảo đó không phải là sự thật? Cái thói cào bằng trong suy nghĩ qua chừng ấy năm rồi vẫn cứ không sao thoát ra được cách suy nghĩ của người Việt, thậm chí là những người trẻ. Họ viện ra lý do rất chính đáng: Cần tôn trọng sự thật và cần phải nói ra hết sự thật về việc cô gái này đã làm.
Ơ hay, chỉ một cuốn sách vỏn vẹn có ngần ấy trang mà đòi diễn tả hết những gì cô ấy đã làm trong khoảng thời gian tính bằng tháng và số quốc gia tính bằng chục à? Hơn nữa, cô ấy viết sách, chứ không phải viết tường trình hành trình chi tiết về những gì cô ấy đã trải qua. Cô ấy là tác giả, cô ấy có quyền viết theo cách nghĩ và cách diễn tả của mình. Tất nhiên, có thể những gì cô ấy viết hơi “khoe khoang” một tí, nhưng chưa chắc những điều đó không thể là sự thật. Và một điều cũng cần lưu ý có thể do cô ấy lược bỏ những tình tiết tiền đề để dẫn đến kết quả nên mọi người cảm thấy có nhiều chi tiết vô lý. Điều này có thể do cô ấy cố tình hoặc do cô ấy diễn đạt chưa thật sự logic dẫn đến hiểu lầm.
Còn việc những việc làm không đúng, không tốt của cô ấy ảnh hưởng và cổ súy cho giới trẻ, hắn thấy càng buồn cười hơn. Cái gì người khác làm được thì bắt chước làm theo và không làm được thì phải xem lại bản thân mình, chứ sao lại đổ lỗi cho người khác. Hơn nữa, một thế hệ trẻ mà bắt chước một cách không có chọn lọc và ngu ngốc như vậy thì giới trẻ đó cũng chỉ có thể quanh quẩn ở ao làng chứ làm sao mà hội nhập được? Giới trẻ ngày nay cứ tự nhận rằng mình là hội nhập, là tiến bộ mà hành động thì chẳng được như thế. Ví như cái vụ Bill Gate đăng tấm ảnh về dây điện chằng chịt ở VN, họ đã vào “chửi thẳng mặt” Bill Gate làm như vẻ yêu nước lắm, thông thái lắm. Họ càng làm chỉ càng lộ ra yếu kém trong nhận thức, vô văn hóa trong hành động của chính bản thân mình mà thôi. Khi một người nào đó chửi bạn, điều đầu tiên bạn phải làm là xem tại sao họ chửi, họ chửi có đúng không chứ không phải là chửi lại họ, thậm chí chửi lại tục tĩu và nặng nề hơn.
Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản, một cô gái 22 tuổi với 700$ đi 25 nước bằng sức trẻ và niềm đam mê của mình bỗng chốc trở thành nạn nhân của thói cào bằng, của những tư tưởng “con trâu, lũy tre” và của những “anh hùng bàn phím” ra tay “cứu thế giới”. Thay vì vậy, sao mọi người không nghĩ cô ấy dù bịa hay không bịa, có tài trợ hay không có tài trợ mà đi được 25 nước như vậy là một điều thật sự đáng khâm phục. Cô ấy trẻ và cô ấy dám đi, đi để biết thêm về thế giới, để hiểu về bản thân mình như thế nào là điều đáng để tuyên dương mà.
Và cuối cùng, sách cũng chỉ là sách, bạn thích thì đọc, không thích thì thôi. Cô ấy là tác giả cô ấy muốn viết và thể hiện nội dung đó như thế nào là quyền của cô ấy, đừng đem cái lý tưởng ra bắt cô ấy viết như thế này, viết như thế kia và viết cho đúng sự thật mà mọi người quên rằng: Điều quan trọng của việc đọc sách không phải là cuốn sách đó thật tới đâu mà là chúng ta rút ra được gì cho bản thân mình từ cuốn sách đó. Khi bạn yêu thương cái xấu, thì cái xấu cũng thành đẹp, còn khi bạn ghét cái đẹp, thì cái đẹp cũng trở thành cái xấu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét