Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Hướng đi nào cho thương hiệu Việt?

Trung Nguyên là một trong những thương hiệu Việt đang được chú ý hiện nay

Thời đại thế giới “phẳng” đồng nghĩa với việc sẽ có hàng loạt thương hiệu nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam như đã từng diễn ra với Starbucks, Burger King, KFC, Lotteria… Điều đó cũng có nghĩa là các thương hiệu Việt đang đứng trước những thử thách lớn để khẳng định mình.

Sự đổ bộ của các thương hiệu lớn

Trong năm qua, hàng loạt thương hiệu lớn từ nhiều nước trên thế giới đã đến Việt Nam và bước đầu xây dựng được cơ sở vật chất cũng như chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt. Gần đây nhất phải kế đến “đối thủ nặng ký” của thương hiệu cà phê Trung Nguyên là Starbucks.


Ngay khi mới “dò đường”, Starbucks đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực và khiến cho ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ phải “nóng ruột” mà đăng đàn khẳng định thương hiệu cà phê Việt, cách “đánh” đối thủ ngay trên sân nhà. Nhưng cho dù ông Vũ có “đánh” như thế nào thì Starbucks cũng đã mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam và điều đầu tiên gây chú ý là những hàng dài các bạn trẻ phải xếp hàng giữa trưa để được mua một ly cà phê Starbucks.

Cửa hàng cà phê Starbucks đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: internet

Sau Starbucks, McDonald’s và Wendy’s cũng đang đang có ý định đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Khi đó, thị trường thức ăn nhanh, vốn không phải là thế mạnh của thương hiệu Việt, sẽ tiếp tục là “sân nhà cho các đối thủ ngoại”.

Chưa kể trước đó, hàng loạt thương hiệu lớn đã thành công khi vào Việt Nam và xây dựng được chỗ đứng trên thị trường như: Jollibee, Pizza Hut, Pizza Inn, Domino Pizza, Carl’s Jr, Subway…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường Việt Nam vốn rất giàu tiềm năng với dân số trẻ thích những cái mới lạ, thu nhập ngày càng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều thương hiệu Việt vẫn chưa khẳng định được sức mạnh của mình trên sân nhà. Với sự đổ bộ bằng hình thức nhượng quyền thương mại như hiện nay, thương hiệu trong nước chắc chắn sẽ phải rất đau đầu để dành lại thị phần của mình.

Thương hiệu Việt tìm cách chen chân

Nhượng quyền thương mại đang là xu hướng của thế giới và sẽ bùng nổ trong năm 2013-2014. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam vẫn là điểm đến của rất nhiều thương hiệu trên thế giới. Tuy nhiên, không vì vậy mà thương hiệu Việt không khẳng định được vị trí của mình.

Lợi thế lớn nhất của thương hiệu Việt vẫn là sân nhà. Chỉ cần đầu tư tốt hơn về chất lượng, giá thành và cả cách PR, thương hiệu Việt vẫn đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn. Điển hình như Trung Nguyên, mặc dù đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt của The Coffee Bean & Tea Leaf , Highland Coffee, Gloria Jean’s Coffee,… nhưng vẫn đảm bảo được chỗ đứng trên thị trường.

Ngoài việc tạo ra được chỗ đứng riêng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người Việt, chiến lược PR sản phẩm và thương hiệu của Trung Nguyên vẫn là bài học cho nhiều thương hiệu khác học hỏi.

Bên cạnh đó, thương hiệu Việt cũng nên “chuyển mình” để phù hợp với nhu cầu của những người trẻ, vốn là đối tượng hướng đến của các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam. Nếu so sánh các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài với thương hiệu thức ăn tại Việt Nam, sẽ rất dễ thấy đối tượng phục vụ cũng khác. Một Starbucks “take away” phù hợp với giới trẻ, trong khi “rang và xay” của Trung Nguyên lại dành cho đối tượng lớn hơn hay một Wrap and Roll khó mà thu hút được giới trẻ như KFC, Jollibee…

Mặc dù bức tranh thị phần đã phần nào được định hình, nhưng thương hiệu Việt vẫn có thể góp mặt vào cuộc chơi chung của thị trường mở dành cho mọi người nếu có những bước đi phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét