Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Ba “vụ án” xôn xao dư luận: Tấm, Nghĩa và Luyện

Truyện cổ tích Tấm Cám (Ảnh internet)

Chưa bao giờ người ta lại quan tâm đến truyện Tấm Cám nhiều như ngày này. Nhưng họ quan tâm không phải đây là câu truyện cổ dân gian có nhiều ý nghĩa, mà họ quan tâm đến hành động giết người rồi làm mắm của Tấm. Họ cho rằng đó là độc ác, là dã man và mất đi hình tượng cô Tấm thảo hiền. Và họ đem xâu chuỗi hành động “độc ác” của Tấm vào tội ác man rợ trong thời gian gần đây của giới trẻ và kết tội nó.

Về truyện Tấm Cám, đây là câu chuyện kể truyền miệng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nó đã khẳng định được giá trị và tồn tại từ xưa tới nay. Nhưng thời gian gần đây, nhiều người lại đem hành động giết Cám dã man ra để truy tìm cái nguyên nhân của những tội ác man rợ của Nguyễn Đức Nghĩa, của Lê văn Luyện,… đó là một điều hoàn toàn khập khiễng.


Đoạn kết trong SGK lớp 10 đã được sửa đổi (Ảnh internet)

Về mặt thời gian, cái kết của câu chuyện này xảy ra cả… ngàn năm nay rồi. Như vậy, với quan niệm của người xưa thì hành động “giết người” của Tấm hoàn toàn chấp nhận được. Vì nó tượng trưng cho việc cái ác bị trừng trị tận gốc, không còn cơ hội hãm hại người khác.

Thật ra, có 3 cái kết phổ biến nhất trong truyện Tấm Cám: Tấm dội nước sôi cho Cám chết rồi làm mắm gởi mụ dì ghẻ, Tấm dội nước sôi Cám cho đến chết và Cám nghe theo lời mách bảo của một người không rõ tên tuổi tắm nước sôi để được đẹp như Tấm. Cả ba cách này đều thể hiện ý muốn “thiện thắng ác” tuy nhiên cái ba cái kết theo thứ tự giảm dần mức độ tàn ác của Tấm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cái kết đầu tiên ra đời vào thời cổ đại, khi đó việc trừng phạt như Tấm là điều hoàn toàn bình thường. Hai cái kết sau ra đời sau nên nó nhân đạo hơn và bảo lưu được hình tượng cô Tấm. Vấn đề là, cái kết nào cũng có cái hay, cái ý nghĩa của riêng nó và cần phải dựa vào nhiều yếu tố: ý đồ tác giả, tâm lí người đọc và bối cảnh xã hội để đánh giá, cho nên chúng ta không nên nói hành động của Tấm là độc ác hay không mà chỉ nên nói nó không còn phù hợp với quan điểm xã hội thời nay.

Người ta đem hành động của Tấm so với hành động của Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện rồi đâm ra sợ sệt rằng nó sẽ cổ xuý cho tội ác hiện tại. Rõ ràng, đặt 3 “vụ án” này cạnh nhau đã là khập khiễng, và chúng ta lo sợ bộ phận lớn trẻ con sẽ bị ảnh hưởng càng khập khiễng hơn. Vấn đề là chúng ta phải nói, phải giảng dạy sao cho chúng hiểu rằng hành động đó là phù hợp với bối cảnh ngày xưa, với quan niệm cái ác phải bị trừng phạt, không chỉ riêng cho bản thân Tấm mà còn cho những người hiền lành khác trong xã hội nữa, bởi mẹ con Cám không chỉ hại Tấm một lần, mà liên tiếp rất nhiều lần… Nếu chúng ta sửa đổi lại kết thúc của câu chuyện vừa làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, vừa không giải quyết được vấn đề. Cái kết của chuyện có thể đổi, nhưng sự ghẻ lạnh của lòng người đối với chính đồng loại mình là không thể đổi được. Và đó còn là câu chuyện lớn để xã này truy tìm nguyên nhân và khắc phục nó.

Tôi vẫn ủng hộ giữ nguyên kết cục truyện Tấm Cám như vốn có của nó!
08/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét