Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Nhắn tin bình chọn: Khi số đông trở thành giá trị

Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kì quan thiên nhiên của thế giới hiện đại nhờ... bình chọn

Khoảng chục năm trở lại đây, hình thức nhắn tin bình chọn cho thí sinh mình yêu thích trong các cuộc thi trở thành hình thức phổ biến ở nước ta. Người ta đua nhau mua sim và nạp tiền để bình chọn, vô hình chung cuộc thi trở thành cuộc chạy đua vận động để nhắn tin bình chọn cho cái gọi là giá trị nghệ thuật. Hay nói cách khác là số đông (phần nhiều là cảm tính, không có năng lực chuyên môn) lại nắm trong tay quyền lực quyết định trong cuộc thi.

Xét về yếu tố chuyên môn thì phần đông khán giả chỉ bình chọn cho những người mà họ yêu thích, hoặc hợp với thị hiếu của họ, còn về năng lực chuyên môn thật sự thì hoàn toàn không được đá động đến. Nếu có, thì chỉ có một số ít người có năng lực để nhìn nhận, nhưng đôi khi họ lại lười nhắn tin. Hậu quả là có một độ lệch rất lớn về chất lượng của người thắng giải.


Về mặt dư luận. Nó tạo cho khán giả cảm giác không yên tâm vào hệ thống của tổng đài. Bởi nhiều cuộc thi (như Vietnam Idol) không hề công bố con số khán giả bình chọn, hoặc nếu có công bố thì cũng không ai kiểm chứng được con số đó có nằm trong sự sắp xếp của ban tổ chức hay không. Một điều nữa khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán là lỗi kỹ thuật: hoặc là tin nhắn không đến, bị trục trặc, hoặc là tin nhắn đến sai đối tượng ủng hộ. Chính những điều này khiến cho độ công bằng trong cuộc thi thật khó chấp nhận được.

Đó là chưa kể đến một số anti fan “gây chiến” với nhóm khác để tâng bốc thần tượng của mình. Nhiều khi họ xúc phạm đến thi sinh một cách rất nặng nề. Điển hình nhất là trong cuộc thi Vietnam Idol năm 2010, đã có một cuộc chiến giữa các fan với nhau để ủng hộ thần tượng của mình. Nhiều hậu quả xấu cũng đã xảy ra.

Trong cuộc vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kì quan thiên nhiên của thế giới hiện đại cũng cần suy nghĩ lại. Bỏ qua nguồn tin cuộc bầu chọn này chỉ mang tính cá nhân, thu về lợi nhuận thì việc bầu chọn bằng cách nhắn tin như thế thật ra không đánh giá được giá trị thật sự của mỗi kì quan. Bằng khẩu hiệu “thể hiện lòng yêu nước bằng cách nhắn tin bình chọn cho ABC…”, người dân các nước cứ việc đua nhau nhắn tin hay lên mạng bình chọn. Như vậy, thử hỏi chỉ tiêu đánh giá về kì quan thế giới là gì? Là số lượng tin nhắn hay về vẻ đẹp tạo hóa thật sự của nó? Một kì quan thật sự đẹp, xứng đáng nằm trong danh sách kì quan thế giới hiện đại nhưng số lượng tin nhắn không đủ thì chưa hẳn nó không xứng đáng.

Đồng ý để đánh giá một cái gì đó đẹp thật là khó, nhưng chúng ta vẫn có thể lựa chọn một số tiêu chí nhất định và thành lập một hội đồng ít nhất có năng lực về mặt chuyên môn để đánh giá. Như thế nó mang lại niềm tin và chất lượng hơn nhiều so với việc người người, nhà nhà nhắn tin như hiện nay. Số lượng chưa hẳn đi liền với chất lượng.

Thiết nghĩ, nhắn tin bình chọn qua tổng đài cũng là một hình thức kinh doanh gây lợi nhuận cho chương trình, nhưng nên hạn chế ở mức độ giải khán giả bình chọn hay khán giả yêu thích nhất. Bởi để đánh giá một cách công bằng nhất, cần phải đòi hỏi những ngươi có năng lực chuyên môn thật sự chứ không phải những người có tin nhắn bình chọn nhiều nhất.

P/S: Nhưng dù sao đó cũng là cách mà người ta thể hiện lòng yêu nước của mình.
11/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét