Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Trịnh, con tim run rẩy hát lời yêu

ảnh internet

Gã không biết tại sao mình thích nhạc Trịnh và thích từ khi nào nữa. Gã chỉ biết từ những năm cấp 3, gã đã biết đến nhạc Trịnh và đắm đuối với nó. Ca từ và giai điệu của Trịnh như một thứ âm thanh ma thuật khiến cho người ta vui, buồn, tuyệt vọng, thở than và tin yêu cuộc đời này hơn. Trịnh như một nhạc trưởng đang điều khiển những cảm xúc của người nghe nhảy nhót và vang lên giai điệu yêu thương cuộc sống này.

Có một điều rất lạ là gã chỉ có thể nghe nhạc Trịnh theo giờ. Hoặc là thiệt là sáng hoặc là thiệt là khuya. Sáng sớm và khuya, không gian thường yên tĩnh. Khi đó, tâm hồn như mặt nước hồ mênh mông, trải dài không hề có một gợn sóng nào cả. Ca từ của Trịnh cất lên như làn gió làm lăn tăn mặt hồ. Nó không quá mạnh để tạo thành những con sóng, nó cũng không quá yếu để trở nên vô nghĩa với mặt hồ kia. Nó làm tâm hồn người ta thức dậy và đắm chìm. Nó làm cảm xúc dồn nén bắt chợt tuôn trào, tuôn trào thành dòng thác yêu thương. Giai điệu ấy là cuộc sống, là những điều thẳm sâu trong con tim, dâng trào thành những đợt cảm xúc.


Gã nghe Trịnh nhưng không hiểu những điều Trịnh nói trong đó. Gã không biết Trịnh đang nói về cái gì, nói về ai, gã chỉ biết gã thấy cái tôi mình trong đó, gã thấy cuộc sống mình trong đó. Và nơi đó, gã chính là gã, không chạy theo những thứ vật chất tầm thường, không phải mang cho mình một khuôn mặt, một cảm xúc giả dối. Trịnh hát lời run rẩy, gã nghe những lời run rẩy nhưng gã lại bình thản đến lạ lùng.

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn bay đi”, những ca từ rõ ràng như thế nhưng trong suốt 3 năm liền gã không ngộ ra nó. Một buối sáng, nằm ở kí túc xá, gã nghe tiếng nhạc vang lên từ cái loa phát thanh và khi đó gã mới hiểu Trịnh đang muốn nói gì. Gã mất ba năm để ngộ ra “tấm lòng”.

Dù sao, cái ba năm đó cũng còn ngắn ngủi hơn cái 6 năm để bất chợt nhận ra “tôi ơi đừng tuyệt vọng… Tôi là em và em cũng là tôi”. Tôi là em, là tuyệt vọng, và em cũng là tôi, tuyệt vọng cũng là tôi. Gã không biết tại sao lại như thế. Gã không hiểu những ca từ ấy hay cố tình không hiểu. Gã nghe giai điệu, gã nghe ca từ nhưng gã chẳng hề nghĩ suy về nội dung của ca từ. Đúng là ngộ thật.

Gã nghe nhiều về Trịnh, biết nhiều về Trịnh nhưng gã không hát được nhiều bài của Trịnh. Gã chỉ có thể nghêu ngao “cát bụi”, “đêm thấy ta là thác đổ” và “một cõi đi về”. Những bài còn lại gã không hát được mặc dù nghe nó rất nhiều lần rồi. Gã không đồng cảm với Trịnh hay gã không đủ bao dung như Trịnh mà gom hết những gì tồn tại trên cõi đời này vào lời ca tiếng hát? Gã chịu.

Khi gã nói gã thích nghe Trịnh. Nhiều người phì cười nói gã theo trào lưu. Ừ, thì gã theo trào lưu đó nhưng trào lưu của gã là trào lưu có tính kế thừa. Mẹ gã thích nghe Trịnh. Chị gã thích nghe Trịnh. Gã thích nghe Trịnh. Và quan trọng hơn hết là gã theo trào lưu của chính tâm hồn mình.

Gã đã từng buồn. Gã đã từng vui. Gã đã từng bi quan. Gã đã từng tuyệt vọng. Và gã đã từng để Trịnh chảy trong hơi thở và cuộc sống của mình. Gã thấy Trịnh run rẩy. Gã thấy Trịnh bơ vơ. Gã thấy Trịnh rộng tay ôm cả đất trời, ôm cả loài người để thay họ nói hết những điều thầm kín trong lòng. Gã muốn được như Trịnh dù chỉ là nhỏ bé, nhỏ bé như hạt cát.

Đêm đặc quánh khói thuốc


Nỗi buồn đặc quánh niềm đau


Gã đặc quánh con người


Khói thuộc rồi biến mất


Nỗi buồn rồi theo gió bay đi


Gã tiếp tục làm người!
25/07/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét